Rươu vang vùng Sicilia

Sicilia, từ truyền thuyết đến thế kỷ XXI.
Một ngày thu cuối tháng 8, tôi bay từ Nice sang thủ phủ Palermo của đảo Sicilia bằng máy bay Mac Donald Douglas MD-80 của Hãng hàng không quốc gia Italy Alitalia. Chiếc máy bay 2 động cơ phản lực lắp phía đuôi này thường được mệnh danh là taxi bay vì chở được nhiều khách và điều khiển dễ dàng. Trên đường băng, chiếc máy bay này trông giống như một con cá lóc khổng lồ khá dữ tợn, không biết trên trời sẽ ra sao?
Bay 1 giờ 30 phút thì tới sân bay Fiucimiano Rome, sau đó chuyển máy bay để đi Palermo.
Tôi có cảm giác các phi công Italy lái máy bay như lái xe đua Ferrari, chạy nhanh, ngoặt gấp làm nhiều khi đứng tim hành khách.
Người soát vé ở cửa ra sân bay Fiucimino (Rome) rất hài hước, thấy tôi là người ngọai quốc, anh kiểm tra hộ chiếu rồi… vờ đưa nhầm cho cô gái Sicilia xinh đẹp đứng bên cạnh tôi trước khi cười rất tươi và xin lỗi, bằng… tiếng Italia, dù biết tôi nói tiếng Pháp và Anh.
Về trình độ tiếng Anh của nhân viên hãng Alitalia: nếu có bạn đọc nào đó phản ánh trên Vietnam Express rằng trình độ tiếng Anh của nhiều nhân viên tiếp thị Vietnam Airlines là không thể chấp nhận được thì tôi sẽ lấy làm sung sướng được nghe thứ tiếng Anh đó hơn là nghe chiêu đãi viên hàng không Alitalia nói tiếng Anh (tất nhiên, tôi không vơ đũa cả nắm, có những tiếp viên Alitalia nói tiếng Anh rất giỏi).
Rời sân bay Rome, máy bay bay dọc bờ biển, ở độ cao tương đối thấp, vì thế tôi có thể quan sát thấy các thành phố dọc bờ biển Địa Trung Hải lung linh ánh điện sáng lấp lánh như những chuỗi ngọc trai đeo cổ.
Tôi tranh thủ tìm hiểu thông tin về đảo Sicilia qua cuốn Guide Routard mang theo trong túi xách. Theo truyền thuyết, đảo Sicilia, còn được người Hy Lạp gọi là Trinacria từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, do thần Dionysos, chúa tể rượu vang trong thần thoại Hy Lạp xây dựng nên và giao quyền cai quản, bảo vệ hòn đảo tuyệt đẹp này cho nữ thần đầu người mình rắn Meduse, một trong 3 người em gái của phù thủy Gorgones. Cũng chính Dionysos đã thành lập thị trấn Tindari ở phía Bắc đảo Sicilia vào năm 396 trước Công nguyên. Tại thị trấn Tindari, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều tượng và phù điêu Trinacria: đầu của Meduse với tóc là những con rắn uốn lượn quanh 3 bông lúa mì, tượng trưng cho sự phì nhiêu, màu mỡ của đảo Sicilia; 3 chân gập một nửa, tạo cho người xem có cảm giác là 3 chân này luôn chuyển động, tượng trưng cho 3 cạnh nhô ra của đảo là Peloro, Passero và Lilibero.
Máy bay tới sân bay Falcone-Borsellino Palermo vào 11 giờ 30 tối, chậm 40 phút so với dự kiến. Đây là sân bay lớn nhất đảo Sicilia và là một trong những sân bay lớn nhất Italy, với hơn 5 triệu lượt khách trung chuyển mỗi năm.
Tên ban đầu của sân bay là Punta Raisi. Năm 1992, sân bay được đổi tên là Falcone-Borsellino để tưởng nhớ hai vị thẩm phán chống tội phạm Mafia có tổ chức nổi tiếng Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, bị các băng đảng Mafia có tổ chức Cosa Nostra sát hại tại thị trấn Capaci ngày 23/05/1992.
Sân bay nàm sát biển, với phia bên kia là những vách núi dựng đứng. Vào phòng chờ lấy hành lý, tôi thất vọng vì mãi không thấy dây chuyền chuyển động. Tới khi hành lý chạy ra thì mọi người chen lấn xô đẩy để lấy cho nhanh, chẳng khác gì cảnh lấy hành lý ở Nội Bài hay Tân Sơn Nhất.
Hải quan sân bay đứng chờ sẵn ở băng chuyền hành lý với chó nghiệp vụ ngửi va ly tìm thuốc phiện. Tôi liên tưởng tới những cảnh trong phim “Bố già” và gia đình ông trùm Mafia Corleonne. Tuy nhiên, họ rất chuyên nghiệp và khá lịch sự với tất cả mọi người, dù là người Italy hay người ngoại quốc.
Vừa kéo va ly ra tới cửa, tôi đã thấy cả gia đình Việt kiều Trần Thị Hằng cùng chồng là Giuseppe Giusto và hai con nhỏ là Salvatore và Daniela ra đón.
Giuseppe Giusto, 50 tuổi, chồng Hằng, làm nghề kiểm lâm trên đảo Sicilia.
Hằng, 33 tuổi, sang Italia từ năm 1995, làm bác sĩ châm cứu ở thị trấn Alcamo, cạnh thành phố Palermo.
Salvatore, 5 tuổi, là con trai Giuseppe và Hằng. Em gái Salvatore là Daniela, 4 tuổi.
Alcamo, thị trấn-pháo đài canh giữ vùng Tây-Bắc đảo Sicilia.
Sân bay Palermo nằm cách thị trấn Alcamo 50 km nên khi chúng tôi về tới nhà đã 1 giờ đêm. Sau khi đưa bọn trẻ đi ngủ, Hằng nấu mì gói, còn tôi và Giuseppe ngồi uống rượu Nero d’Avola/Merlot của đảo Sicilia. Chai rượu tương đối ngon, nhưng vì quá mệt sau chuyến đi dài nên tôi chỉ mong bữa ăn chóng xong để đánh răng đi ngủ.
Vợ chồng Hằng sắp xếp cho tôi ngủ trong phòng tụi nhỏ. Phòng này có 2 giường, 2 máy vi tính, sạch sẽ và ngăn nắp. Đêm Sicile khá lạnh nên tôi ngủ rất ngon, chỉ thức dậy lúc 8 giờ sáng, tuy nhiên rất tiến bộ là không phải nhờ ai đánh thức.
Lẳng lặng đi tắm, đánh răng, rửa mặt. Mặc quần áo xong xuôi thì vợ chồng Hằng cũng thức giấc. Giuseppe pha cà phê, còn Hằng xuống phố mua bánh mì.
Cà phê Sicilia rất ngon, nhưng đặc tới mức người Việt mình có thể gọi là “cà phê cắm tăm” được. Khi Hằng dịch câu nói đùa này của tôi cho Giuseppe nghe, anh rất khóai và ép tôi uống thêm một tách nữa.
Chúng tôi rời nhà lúc 9 giờ sáng để đi tham quan một số danh thắng của thị trấn Alcamo. Cùng đi với chúng tôi có thêm 2 người bạn Italia là Giuseppe “Pépé”, vì ông đã nghỉ hưu và đã lên chức ông ngoại, và cô Tecla, phụ trách kinh doanh của một hãng rượu vang ở Palermo.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Lâu đài-Pháo đài Alcamo. Trên đường, Giuseppe “Pépé” kể cho tôi tương đối chi tiết về lịch sử đảo Sicilia và thị trấn Alcamo.
Alcamo là thị trấn được thành lập vào năm 828 bời một tướng người Arab tên là Al-Kamuk. Thị trấn nằm ở độ cao 256 m so với mực nước biển và trấn giữ vùng Tây-Bắc của đảo Sicilia. Dân số hiện nay của Alcamo khoảng 50.000 người. Do trong lịch sử, đảo Sicilia luôn bị các các quốc gia láng giềng nhòm ngó nên Lâu đài-Pháo đài Alcamo được xây dựng vững chãi với tường thành cao 5 m, tháp canh chính hình vuông và hai tháp canh phụ hình tròn với các lỗ châu mai và các khe hở cho binh lính có thể bắn tên, ném đá hoặc đổ dầu sôi vào quân địch.
Sauk hi tham quan Lâu đài Alcamo, chúng tôi rẽ vào thăm Nhà thờ và Khu phố cổ. Kiến trúc ở đây mang đậm nét Arab với những ngôi nhà có vòm và hành lang sâu hun hút. Kiến trúc mới cho tới tận thế kỷ thứ 15-16 mới được đưa vào Alcamo.
Do người dân đảo Sicilia ăn trưa rất muộn (2-3 giờ chiều) nên sau khi dùng bữa trưa trong một quán ăn bình dân với món mì ống trộn tôm và các loại rau xào, chúng tôi vội vã đưa Hằng về phòng mạch vì chị có hẹn với khách tới châm cứu, còn tôi đi tiếp với Giuseppe Giusto và Giuseppe « pépé ». Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi thăm cơ sở sản xuất đồ chuyên dụng nhà hàng-khách sạn Verat của anh Vito Amodeo, sau đó chạy xe dạo quanh thành phố Alcamo. Trên một trục chính của thành phố, tôi buột miệng « Cây Bao báp «. Guiseppe « Pépé » nhìn tôi cười và nói « Không phải cây Bao báp đâu, vì Bao báp mọc ở châu Phi, còn đây là cây Erythria của Sicilia, rất giống cây Bao báp «.
Castellamare del Golfo, làng đánh cá sôi động về đêm.
Từ trung tâm thị trấn Alcamo, chạy xe chừng 15 phút, chúng tôi vào làng đánh cá ven biển Castellammare del Golfo và tham quan pháo đài cổ án ngữ ngay cảng biển. Trong pháo đài có một bảo tàng với những hiện vật lịch sử và một số ngư cụ của dân làng chài. Kết thúc cuộc đi thăm pháo đài, đồng hồ đã chỉ 18 giờ 30 phút. Hai anh bạn người Sicilia lái xe đưa tôi lên đỉnh cao nhất của làng chài, nơi có một tiệm ăn nổi tiếng nằm chênh vênh trên vách núi, dưới chân là vịnh biển sâu thăm thẳm. Trong vịnh có bè nuôi cá hợp tác với Nhật Bản (cá thu).
Chúng tôi vừa thưởng thức món thịt bò nấu sốt vang đỏ Nero d’Avola vừa ngắm nhìn vịnh biển lấp lánh ánh lân tinh. Giuseppe « Pépé » kể với tôi rằng, năm trước, trong một lần biển động, bè cá bị vỡ khiến một số cá thu thoát được ra ngòai. Tuy nhiên, do không quen với cuộc sống tự do nên nhiều con lại quanh quẩn vào bờ kiếm mồi và nhiều người dân ở Alcamo, trong đó có Giuseppe Giusto, đã dùng lao đâm cá bắt được vài con nặng tới 400 kg.
Sicilia, mảnh đất truyền thống về trồng ô liu và làm rượu vang.
Sáng hôm sau. chúng tôi hẹn với vài người bạn đi uống cà phê trong một quán Bar ở Alcamo. Hằng muốn tôi thử một lọai bánh ngọt với nhân làm từ sữa cừu. Chần chừ giây lát, tôi gọi một chiếc, thấy rất ngon. Hơn thế, tôi thấy ai vào Bar cũng gọi một chiếc bánh này, uống với cà phê Cappuccino hoặc Expresso. Thấy tôi có vẻ thòm thèm, Giuseppe goi thêm một chiếc nữa. Tôi làm ra vẻ từ chối, nhưng khi anh đưa thì ăn ngay. Ngon tuyệt!
Vừa ra khỏi Alcamo, chúng tôi đã thấy những ruộng nho mênh mông nằm sát đường quốc lộ hay trên những sườn đồi thoai thoải. Sicilia có khoảng 150.000 ha đất trồng nho, lớn hơn cả vùng Bordeaux của Pháp tuy diện tích đảo chỉ có 25.708 km vuông.
Cảnh quan Sicile rất đa dạng. Nếu như dải đồng bằng ven biển khá xanh tốt với những ruộng rau, những vườn cây ăn quả và đồng cỏ thì vùng cao nguyên (từ độ cao 350 m trên mực nước biển) lại khá cằn cỗi, với những ruộng nho và vườn ô liu. Rải rác đây đó trên sườn đồi có những trang trại bỏ không, hoặc một xưởng làm rượu đã đóng cửa. Chúng tôi dừng lại tham quan một pháo đài cổ hoang tàn, xiêu vẹo đã từ nhiều thế kỷ nay, nghe gió hú qua từng kẽ đá và nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài hát « hỏi đá rêu phong bao nhiêu tuổi đời ? ». Nhiều thế hệ đã qua đi trên mảnh đất này, nhưng sỏi đá vẫn trơ gan cùng nhật nguyệt.
Trên đường tham quan tỉnh Agrigento, chúng tôi dừng lại ghé thăm ông chủ Giovanni Maggio của lãnh địa Monte Olympo. Lãnh địa này có 800 héc ta đất trồng nho. Các giống nho trắng địa phương nổi tiếng ở đây là Cataratto, Greanico, Grillo và Insolia. Các giống nho đỏ địa phương là Nero d’Avola và Nerello Mascalese. Lãnh địa có một số giống nho quốc tế như Chardonnay (trắng), Cabernet Sauvignon, Merlot và Syrah (đỏ).
Xưởng làm rượu được trang bị những máy móc hiện đại nhất thế giới của Pháp và Italy. Hầm nuôi rượu có 1000 thùng gổ sồi nhập từ Slovénia. Sau khi đi thăm các ruộng nho sắp vào mùa thu hoạch và hưởng cái thú được lội bì bõm trong bùn, trong cái lạnh se se khoãng 18 độ C, chúng tôi quay về hầm rượu thử nếm : 1 chai vang trắng Greanico, nhiều tính chất hoa quả tươi mát, 1 chai vang trắng Grillo+Chardonnay, vừa có tính khóang chất của dòng nho Grillo, vừa đậm đà, tròn trịa với dấu ấn rõ rệt của dòng nho Chardonnay, 1 chai vang đỏ Nero d’Avola, mang hương vị hoa quả, mùi đá núi lửa và gia vị thảo mộc vùng đồi núi, 1 chai vang đỏ pha trộn giữa Nero d’Avola+Syrah tinh tế, rất hợp với phụ nữ. Vào phút cuối, Giovanni thết chúng tôi 1 chai Luxus tuyệt vời, là sự phối hợp của 5 dòng nho Cabernet Sauvignon, Merlot, Syrah, Nero d’Avola và Petit Verdot.
Sambuca, thị trấn cổ trên núi với những món ăn Sicilia truyền thống.
Dư vị ngọt ngào của chai Lexus còn chưa dứt, vợ chồng Giovanni mời chúng tôi ăn trưa ở tiêm ăn ngon nhất của thị trấn Sambuca trên đỉnh núi, ở độ cao 350 m so với mực nước biển, với những món ăn rất đặc trưng của đảo Sicile và món mì Spaghetti « al dente-giòn sần sật » của Italia. Tiệm ăn bình dân, bàn ghế mộc mạc, song đồ ăn rất ngon và rất đặc trưng (bạch tuộc xào, tôm hùm nấu mì ống). Ông chủ quán tự mang tôm cá (vẫn còn giẫy đành đạch do dân chài vừa mới đánh bắt từ vịnh biển lên) ra cho khách chọn, sau khi nấu xong lại tự tay phục vụ cho khách để tỏ lòng quý mến theo phong tục Sicilia.
Bữa ăn kết thúc lúc 3 giờ chiều, với tách « cà phê cắm tăm » đậm đặc tới mức có thể quật ngã bất cứ thanh niên nào nếu người đó chưa có gì lót dạ.
Cơn mưa núi ập tới tiễn chúng tôi ra cửa. Cô Tecla khóc khi bà chủ nhà Maggio xinh đẹp bịn rịn tiễn đưa. Con đường xuống núi với rừng thu trơ trụi lơ thơ đây đó vài chiếc lá vàng trên những cành khẳng khiu nhòe trong một tấm màn nước trắng xóa, khiến tôi liên tưởng tới cây nói của một nhà văn Anh nổi tiếng « những giọt nước mắt của phụ nữ cũng như một cơn mưa bất chợt ».
Theo Tô Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Rượu vang VN - Rượu Vang Nhập Khẩu Chính Hãng Cao Cấp

Hộp quà Tết và Tết nguyên đán tại Việt Nam

Rượu vang ngon chính hãng bạn nên biết